Cô gái 23 tuổi cùng bốn đồng nghiệp khác ở Trung tâm phòng chống dịch bệnh TP HCM (HCDC) ngồi trên ghế,ữngngườilàmnghềsănmuỗh2o xắn quần lên đầu gối, thay nhau ngồi làm mồi cho muỗi đốt đã ba tiếng.
Thấy có con muỗi anophen bay vo ve, Loan cầm đèn pin rọi theo, cố không cử động đợi nó đậu xuống bắp chân rồi dùng ống tube thủy tinh chụp gọn, lắc nhẹ để "đánh ngất" nó.
Loan, nhân viên Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính của HCDC đã làm công việc này một năm. Tuần hai lần, nhóm của cô đến những nơi nhiều muỗi như chuồng gia súc, bìa rừng thuộc huyện Cần Giờ và Nhà Bè, lấy thân làm mồi bắt muỗi anophen (loài muỗi truyền ký sinh trùng gây sốt rét). Đây là hai điểm có lịch sử nhiều lần xuất hiện bệnh sốt rét cần được theo dõi giám sát định kỳ. Việc này nhằm đánh giá sự biến động của quần thể muỗi, từ đó cảnh báo cho người dân và cơ quan chuyên môn chủ động có giải pháp phòng tránh dịch bệnh.
Phó khoa, thạc sĩ Mai Xuân Phán nói người làm mồi phải để lộ phần cơ thể như tay, chân để dẫn dụ muỗi bởi thứ thu hút chúng nhất là nhiệt độ và mùi cơ thể người. Vì đặc điểm này mà người làm nghề không được sử dụng xà phòng thơm hoặc bôi dầu gió trước khi vào việc.
Trước khi làm nghề, người làm mồi được tập huấn phương pháp nhận diện, thao tác bắt muỗi anophen và cách tự bảo vệ để không bị muỗi đốt, tránh nhiễm bệnh. Từ 19h-22h muỗi hoạt động mạnh nhất nên công việc của họ thường diễn ra trong đêm. Mỗi đêm, nhóm bắt được trung bình 20-50 con, tùy theo thời tiết và khu vực.
"Đừng nghĩ ngồi cho muỗi đốt là dễ. Những hôm ra về tay trắng là chuyện thường", anh Phán nói. Có hôm, vừa đến bìa rừng trời đổ mưa lớn, cả nhóm đành quay về bởi trời mưa muỗi sẽ đi trú ẩn, trong khi người làm mồi cũng không thể mặc áo mưa che chắn cơ thể.
Có ngày thời tiết thuận lợi, muỗi nhiều nhưng cũng kèm theo con bọ xít, kiến và đặc biệt là con bù mắt - loại côn trùng kích thước bé hơn muỗi, sống ở các ao tù, nước đọng vùng nông thôn. Theo ánh đèn, chúng bay đến đốt, rất ngứa, đỏ hết bàn chân nhưng người làm mồi chỉ có thể ngồi chịu đựng.
Cũng theo anh Phán, ngoài dùng người làm mồi, có hai phương pháp khác để săn muỗi là soi đèn và mắc màn. Phương pháp soi đèn phải mất công sàn lọc nhưng hiệu quả không cao, muỗi dễ chết, gãy cơ thể. Phương pháp mắc màn tốn không gian và diện tích, dụng cụ để bắt muỗi. Mồi người là tối ưu nhất vì có thể áp dụng trong ko gian hẹp và nhanh chóng.
Bốn năm trước, anh Nguyễn Văn Tới (thành viên nhóm) lần đầu đi bắt muỗi trong tâm thế phập phồng. Vượt đoạn đường 50 km, qua một lần phà, anh đến bìa rừng huyện Cần Giờ thì trời tối đen như mực, không đèn đường, không nhà dân. Nhóm ba người vẫn bày dụng cụ ra ngồi chờ muỗi đốt.
Một tổ an ninh thấy những người đàn ông ngồi soi đèn nửa đêm nên dừng lại kiểm tra giấy tờ. Họ mất 30 phút trình thẻ nhân viên HCDC và giải thích công việc đang làm. Hôm khác người dân đi ngang thấy người lạ tụ tập thành nhóm nên báo dân phòng, lại bị kiểm tra. Anh Tới đã 5-6 lần phải giải trình kiểu này cho công an về việc mình làm lúc nửa đêm. Sau này, họ rút kinh nghiệm thông báo khung giờ và địa điểm làm việc của mình với địa phương nhờ hỗ trợ.
Ngoài bìa rừng, nhóm còn triển khai bắt muỗi ở chuồng gia súc nhà dân bằng phương pháp soi đèn trên tấm bạt che. Không phải gia đình nào cũng tạo điều kiện. Có nhà từ chối thẳng bởi cứ tuần hai lần lại phải mở cổng cho nhóm vào nhà bắt muỗi đến tận khuya, rất phiền hà. Có gia đình nuôi chó nên thấy người lạ chúng sủa inh ỏi đến tận khuya, hàng xóm mất ngủ nên cũng không hài lòng. Anh Tới phải nhờ địa phương vận động và giải thích để họ thông cảm.
Muỗi anophen mang ký sinh trùng gây bệnh nên để hạn chế tối đa rủi ro, người làm mồi phải tập trung cao độ, căng mắt nhìn da thịt mình để hạn chế tối đa việc bị muỗi đốt. Cứ 15-30 phút, họ lại đổi ca cho nhau để đỡ căng thẳng và mệt mỏi.
Hiện tại, nhóm chưa ghi nhận trường hợp thành viên bị sốt rét trong quá trình làm mồi. Thúy Loan là một trong hai thành nữ của nhóm, có làn da lấm tấm vết thâm do bắt muỗi. Cô nói vẫn cảm thấy hài lòng bởi biết việc mình đang làm có ý nghĩa.
Ngọc Ngân